BREAKING NEWS
Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh nghiem hay. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh nghiem hay. Hiển thị tất cả bài đăng

16/4/14

19 bí quyết kiếm tiền và tiêu tiền

Thường thì, những người giàu không bao giờ nói với bạn rằng, họ tiêu ít hơn số tiền kiếm được, họ chỉ muốn đãi bạn bè những món “bình dân”, hay sự cần thiết phải tiết kiệm từ khi còn rất trẻ…

Vẫn biết rằng, tiền bạc không mua được hạnh phúc, nhưng những ai từng rơi vào cảnh thiếu thốn tài chính đều hiểu được vai trò của đồng tiền. Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao xã hội ngày càng có nhiều người giàu trong khi mình cứ mãi “dậm chân tại chỗ”?

Sự giàu có không phải tự nhiên mà đến, nó đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nhưng có thể, bạn không biết phải bắt đầu tư đâu để đạt tới đích giàu. Các tỷ phú, triệu phú luôn có những bí quyết riêng của họ và không dễ gì chia sẻ với bạn.


Tuy vậy, trang Business Insider đã điểm qua 19 bí quyết về kiếm tiền và tiêu tiền có thể đưa bạn tới sự sung túc tài chính. Đây cũng là những điều mà có lẽ, những người hàng xóm giàu có không bao giờ kể cho bạn nghe:

1. Người giàu luôn tiêu ít hơn số tiền anh ta kiếm được

Trên thực tế, phương châm của anh ta là về lâu dài, tốt hơn hết nên cố gắng để giàu mà không ai biết tới, thay vì phải tìm cách giấu giếm cái nghèo.

2. Người giàu biết rằng, kiên nhẫn là một đức tính tốt

Một cái khó là bạn sẽ không thể trở thành một triệu phú chỉ sau một đêm. Nếu muốn giàu như anh ta, bạn phải tích lũy tài sản dần dần và kiên nhẫn sau nhiều năm, thậm chí là thập niên.

3. Người giàu mời bạn thứ cà phê không đắt tiền

Khi bạn tới căn nhà 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm của anh ta, bạn sẽ được mời uống loại cà phê bình dân thay vì một cốc Starbucks đắt tiền.

Còn nếu bạn đi nhờ xe của anh, bạn sẽ được chở trong một chiếc sedan bình dân đã dùng 10 năm. Bạn nghĩ rằng điều đó khiến anh ta có vẻ không xứng tầm? Thử hỏi xem (anh ta chẳng quan tâm đâu).

4. Anh ta thanh toán thẻ tín dụng đầy đủ mỗi tháng.

Anh ta đủ thông minh để hiểu là nếu không thể trả tiền mặt để mua thứ gì thì sẽ không sắm thứ đó.

5. Anh ta hiểu rằng, tiền bạc không mua được hạnh phúc.

Nhưng bạn muốn đến được cõi niết bàn, bạn cần tập trung vào duy trì sự tự do tài chính của bản thân.

6. Anh ta hiểu được tầm quan trọng của tự do tài chính

Anh ta không bao giờ quên rằng, tự do tài chính đến từ việc không nợ nần gì ai. Bạn có thể đạt được tự do tài chính cho dù mức thu nhập của bạn là bao nhiêu đi chăng nữa.

7. Anh ta biết một vài điều quan trọng của việc làm thêm

Có thêm một công việc thứ hai không chỉ làm tài khoản ngân hàng phình ra nhanh hơn, mà còn khiến anh ta luôn bận rộn. Khi bận rộn, ta sẽ không có thời gian để tiêu số tiền đã có.

8. Anh ta biết cách quản lý tiền bạc của mình, bởi anh ta xem tiền như một đứa trẻ

Anh ta hiểu rằng, tiền bạc cũng giống như một đứa trẻ đang tập đi, không thể tự quản lý mình. Xét cho cùng, bạn chẳng thể kỳ vọng tiền trong túi mình tự nhiều lên nếu không có lấy một mô hình quản lý tài chính thích hợp

9. Anh ta đề cao việc phải trả công cho bản thân trước tiên

Trả công trước tiên cho bản thân là một nguyên lý cơ bản trong quản lý tài chính cá nhân, là cách tuyệt vời để xây dựng khối tiền tiết kiệm và duy trì kỷ luật tài chính.

10. Với anh ta, công việc kiếm tiền phải là công việc yêu thích

Dù rằng bạn hoàn toàn có thể giàu lên khi làm những việc mình không thích, nhưng anh ta tự hỏi sao phải lãng phí cuộc đời như thế. Cuộc đời là rất ngắn ngủi.

11. Anh ta cho rằng, việc không lập kế hoạch cũng giống như lên kế hoạch để gặt thất bại

Anh ta biết, rất hãn hữu người trở nên giàu có chỉ nhờ may mắn đơn thuần mà không có kế hoạch cụ thể. Không phải cứ tuyên bố muốn tự do tài chính là bạn đạt được mục tiêu đó.

12. Anh ta không ngại nghĩ lớn

Khi lên lịch cho những mục tiêu tiết kiệm, anh ta không ngại nghĩ về những điều lớn lao. Để đạt được thành công về tài chính đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn lớn, vượt lên trên cả những gì bạn có thể làm.

13. Anh ta hiểu tầm quan trọng của làm việc chăm chỉ

Theo thời gian, anh ta nhận ra rằng, làm việc chăm chỉ có thể bù đắp cho rất nhiều lỗi lầm về tài chính. Sai lầm về tài chính là điều khó tránh.

14. Anh ta mua bảo hiểm để phòng rủi ro

Anh ta hiểu sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, và sẽ thật ngốc nếu không mua bảo hiểm rủi ro cho bản thân. Nguy cơ phá sản luôn rình rập và có thể trở thành hiện thực từ bất kỳ một lý do nào: thành viên trụ cột gia đình mất đi, li dị hay mất khả năng làm việc.

15. Anh ta hiểu, thời gian là đồng minh của người trẻ

Anh ta đủ khôn ngoan để bắt đầu tiết kiệm ở tuổi đôi mươi nhằm tận dụng tối đa sức mạnh của lãi suất kép đối với số tiền của mình.

16. Anh ta hiểu, không thể tiêu số tiền mà mình không nhìn thấy

Bạn nên sử dụng dịch vụ tự động khấu trừ từ tài khoản mà bạn nhận lương sang tài khoản tiết kiệm hưu trí và các tài khoản tiết kiệm khác. Khi lương bạn tăng, bạn sẽ cảm thấy các khoản khấu trừ này trở nên nhẹ nhàng hơn.

17. Anh ta làm việc vì anh ta thích

Dù anh ta đang có một công việc yêu thích, thì làm việc cũng không phải là điều bắt buộc đối với anh ta. Bởi lẽ, mọi thứ mà anh ta đang sở hữu đã được thanh toán cả rồi, trong quá trình nỗ lực từ nhiều năm trước.

18. Anh ta không ấn tượng với những khoản chi tiêu không hợp lý

Anh ta chẳng ấn tượng gì dù bạn có sở hữu một chiếc xe hạng sang đắt tiền và căn biệt thự hoành tráng bởi những thứ đó quá thừa thãi đối với một gia đình chỉ có 4 người của bạn.

19. Anh ta thực sự là một người hàng xóm tốt

Sau 6 tháng hỏi han, cuối cùng anh ta cũng sẽ không chờ bạn trả lại cái kéo cắt tỉa mà bạn đã mượn của anh ta nữa. Anh ta đã mua một cái kéo mới mà không cần phải suy nghĩ nhiều, bởi anh ta đủ tiền để mua.

Theo Business Insider

15/4/14

Những nhân vật bí mật trong “cỗ máy kiếm tiền” của George Soros

Phía sau thành công của huyền thoại đầu cơ George Soros là những nhân vật có khả năng làm khuynh đảo tài chính thế giới.

George Soros, ông chủ của Công ty Quản lý Quỹ Soros, quản lý hàng loạt quỹ trong đó nổi bật nhất là quỹ Quantum. Sau hơn 1 thập kỷ, Soros đã ủy quyền điều hành quỹ này cho Stanley Druckenmiller và Nicholas Roditi – những vật được coi là “vũ khí tối thượng” của nhà đầu tư lừng danh thế giới này.

Kẻ “đánh sập” ngân hàng trung ương Anh






Stanley Druckenmiller (sinh năm 1953) được ví như là là cỗ máy kiếm tiền vĩ đại nhất trong lịch sử, với khả năng phân tích của Jim Roger (người cùng Soros lập ra Quantum rồi sau đó tách), khả năng giao dịch của Soros và tinh thần thép của một tay cờ bạc chuyên nghiệp.

Suốt giai đoạn 1989-2000, quỹ Quantum và các quỹ khác do Soros lập ra đều do Druckenmiller điều hành. Druckenmiller cũng chính là nhân vật đằng sau các vụ “đánh sập” ngân hàng trung ương từ Đức, Thụy Điển, Anh (1992), các quốc gia Nam Mỹ (1994), các quốc gia châu Á (1997).

Tháng 9/1992, bằng khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào đồng bảng Anh (GBP), Soros và trợ lý đắc lực của ông đã làm cho đồng bảng Anh phải rút khỏi hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM). Với thành tích “đánh sập” ngân hàng trung ương Anh này, quỹ Quantum của Soros thu về 1 tỷ USD. Thương vụ này cũng khiến nhà đầu tư cũng bắt đầu chú ý đến ngành quỹ đầu cơ.

“Lãnh chúa ẩn mình” hỗ trợ Soros"

Trong khi đó, Nicholas Roditi cũng được xem là nhân vật quyền lực thứ 2 trong “đế chế” Soros, với biệt danh “lãnh chúa ẩn mình”.

Thế giới tài chính nhắc đến George Soros như nhà tiên tri, thì “vũ khí” tối thượng của “đế chế” này ở phố Wall không ai khác chính là Nicholas Roditi. Ông đã được tạp chí Finance World bầu làm 1 trong 10 nhà đầu tư, hoạch định tài chính hàng đầu của Mỹ.

Chiến lược kinh doanh của Roditi là “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Ông không căn cứ trên bất kỳ chỉ số tham khảo nào của thị trường, mục đích là kiếm tiền bất kể thị trường biến động thế nào. Thậm chí có lúc, thị trường càng biến động, Roditi càng sinh lợi khủng.

Giới quan sát cho rằng chính sự giật dây của Nicholas Roditi là tác nhân làm chao đảo nền tài chính thế giới, đem lại nhiều bất ổn trên chính trường Mỹ. Biểu hiện rõ nhất là sự thoái thác trách nhiệm của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc “cách mạng phố Wall” diễn ra cách đây hơn một năm.

Hai “phù thủy phố Wall” và “cỗ máy kiếm tiền” Quantum

Quantum là “cỗ máy” kiếm và rửa tiền của siêu tỷ phú Soros. Nguyên tắc hoạt động của quỹ là nhằm huy động vốn của kẻ khác và sử dụng số vốn đó để đầu tư, trả cho người góp vốn hoặc là lãi suất, hoặc là lợi tức từ các phi vụ đầu tư. Quỹ này được đăng ký tại Curacao, một hòn đảo ở ngoài khơi Venezuela, nơi được coi là một trong những thiên đường thuế thời đó mà các cơ quan kiểm soát tài chính và chứng khoán Mỹ không với tới được.

Dưới sự điều hành của Druckenmiller và Roditi từ khoảng những năm 1990-2000, quỹ Quantum của Soros đạt tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Qua 5 năm, quỹ Quantum đã đạt hiệu quả 50%/năm và là quỹ duy nhất của Soros cũng như thế giới đạt hiệu suất 900% qua 5 năm.

Tính từ giữa năm 1973 (khi Soros bắt đầu thành lập công ty riêng) cho đến cuối năm 2010, Quantum đã tạo ra 35 tỷ USD lợi nhuận (theo một ước tính của LCH Investments) và đưa quỹ của Soros trở thành một trong những quỹ có lợi nhuận cao nhất trong ngành đầu cơ.

Quỹ Quantum chỉ có một năm duy nhất làm ăn sa sút trong lịch sử 42 năm hoạt động đó là năm 2000 khi bùng vỡ bong bóng “dotcom”, giá cổ phiếu công nghệ lao dốc.

Sưu Tập


14/4/14

Các tỷ phú trên thế giới định nghĩa thất bại như thế nào?

Thành công luôn là điều ngọt ngào. Song những doanh nhân thành công và giàu có nhất thế giới luôn biết rất rõ: họ học hỏi được rất nhiều từ thất bại hơn là từ những thành công. Họ luôn nghĩ đúng về thất bại – như một cơ hội chứ không phải là rào cản.


Thất bại có thể thôi thúc ham muốn thành công của bạn

Nick Woodman, nhà đầu tư tỷ phú của GoPro – một dây chuyền sản xuất camera dùng trong thể thao, đã từng có 2 doanh nghiệp phá sản trong thời cực thịnh của kỷ nguyên dot-com. Anh đã chia sẻ trải nghiệm cay đắng đó với tờ Forbes:

Woodman cho hay: “Tôi đã thất bại và xứng đáng có mặt trên trang web chuyên xếp loại các công ty thất bại trong kỷ nguyên dot-com. Ý tôi là không ai thích thất bại nhưng điều tồi tệ nhất mà tôi gặp phải là tôi đã làm mất tiền của các nhà đầu tư. Đó đều là những người đã tin tưởng vào gã trai trẻ đam mê ý tưởng này… Khi thất bại, bạn bắt đầu đặt câu hỏi là liệu các ý tưởng của mình có thật sự tốt?”


Woodman đã thất vọng vì thất bại đến nỗi anh đã làm việc 18 giờ mỗi ngày và tìm nguồn cung ứng các bộ phận và lắp ráp các sản phẩm mẫu. Khi lần đầu tiên GoPro được tung ra thị trường, anh chỉ có một nhân viên và đã quyết tâm làm mọi việc hiệu quả. Anh cho biết: “Tôi đã sợ bị thất bại lần nữa đến nỗi tôi quyết tâm phải đạt được thành công”.

Sử dụng những thất bại nhỏ để đạt được những thành công lớn


Bạn muốn ý tưởng của mình được phát triển. Không có gì ngạc nhiên: ai cũng muốn như vậy. Nhưng bạn không thể chờ đợi chúng sẽ được phát triển, ít nhất là ngay lần đầu tiên xuất hiện. Hãy hỏi James Dyson, người đã đạt được mức doanh thu ròng trị giá 4,4 tỷ đô la nhờ năng lượng khí thổi được dùng trong các loại máy hút bụi, quạt làm mát hay máy sấy tay.

Dyson đã chia sẻ với kênh truyền hình Bloomberg rằng: “99% những việc tôi làm trong cuộc đời đều thất bại, vì lúc nào chúng tôi cũng xây dựng sản phẩm mẫu. Chúng tôi thử các ý tưởng và tất cả đều thất bại”. Thực sự thì không phải là tất cả. Cuối cùng, một mô hình cũng hoạt động được và sau đó Dyson đã có được thứ xứng đáng với công sức bỏ ra. “Nhưng điều đó cũng sẽ gần như không thể đạt được nếu không học được từ tất cả những lần thất bại trước đây”.

Không theo con đường mà “ai cũng biết”


Sara Blakely, nhà đầu tư tỷ phú của Spanx, đã bước hụt và thất bại nhiều lần trên con đường tạo dựng công ty của cô. Như cô đã thừa nhận với kênh truyền hình CNBC, cô không hiểu gì về những việc mình đang làm. Nhưng chính sự mù tịt đó đã giúp cô mở ra những thứ mà cô cần.

Cô cho biết: “Thực tế là tôi chưa từng tham dự một lớp học về kinh doanh nào, không được đào tạo, và không biết hệ thống bán lẻ hoạt động thế nào. Tôi đã không bị hăm dọa như tôi đáng ra phải bị thế”.

Các chuyên gia có thể đã nói với cô rằng đi thẳng tới Neiman Marcus với một loại sản phẩm mới là một sự lãng phí thời gian. Thay vào đó, chuỗi cửa hàng đó lại trở thành khách hàng bán lẻ đầu tiên của cô.

Một lời cảnh báo trước là: Đừng nói với mọi người về ý tưởng của bạn từ sớm vì bạn không muốn nó bị đem ra bàn tán trước khi bạn có cơ hội xem xét kỹ hơn về nó. Cô đã chia sẻ điều này với David Kidder, tác giả của cuốn sách “The Startup Playbook: Secrets of the Fastest-Growing Startups from Their Founding Entrepreneurs” (Tạm dịch là: Cẩm nang cho các công ty khởi sự: Bí quyết từ các nhà sáng lập doanh nghiệp khởi sự tăng trưởng nhanh nhất.)





Biến thất bại ngày hôm nay thành một phần của thành công ngày mai

Khi thị trường bị đổ vỡ vào năm 2008 và mất đi một nửa giá trị, nhiều người đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều người coi đây là thời điểm hợp lý để bán ra. Điều đó cũng có lý, nếu khung thời gian của bạn chỉ là vài tháng hoặc một năm.

Theo các chuyên gia đầu tư thì sự hoang mang sẽ khiến bạn bán ở mức giá thấp và mua vào ở mức giá cao, một cách tuyệt vời để chuyển của cải của bạn sang những người khác. Bạn cần xem xét trong một khoảng thời gian thực tế hơn và bạn sẽ nhận ra rằng sẽ có những lúc mọi việc sẽ không đi theo cách mà bạn muốn. Giờ đây, những nhà đầu tư thực sự thông minh sẽ mua vào nhiều cổ phiếu hơn khi giá thấp.

John Catsimatidis là một tỷ phú sở hữu nhiều siêu thị, trạm xăng và bất động sản. Ông rất ngưỡng mộ Donald Trump. Catsimatidis cho rằng: “Dù có lâm vào cảnh khó khăn đến thế nào, ông ấy vẫn ngẩng cao đầu và chiến đấu nhiều hơn. Ông không bao giờ bỏ cuộc , đập đầu vào tường và khóc lóc”.

Cuối cùng rồi điều kiện thị trường cũng sẽ thay đổi. Nếu muốn sẵn sàng tận dụng những điều kiện đó, bạn phải đặt nền móng từ khi mọi thứ có vẻ như chao đảo. Nếu may mắn, các đối thủ của bạn có thể sớm bỏ cuộc, cho bạn nhiều khoảng trống thị trường để mở rộng hơn.

(Sưu tập)

10/4/14

10 câu nói bất hủ của Bill Gates.

Bill Gates – ông chủ của tập đoàn máy tính lớn nhất thế giới Microsoft – đã đưa ra 10 lời khuyên dành cho các bạn thanh niên trên con đường lập nghiệp.


Trước khi về hưu vào đầu tháng 7 năm nay

Bill Gates – ông chủ của tập đoàn máy tính lớn nhất thế giới Microsoft – đã đưa ra 10 lời khuyên dành cho các bạn thanh niên trên con đường lập nghiệp.

Chúng tôi xin giới thiệu và mời các bạn tham khảo những lời khuyên bổ ích của người đàn ông giàu nhất thế giới này, có thể một ngày nào đó bạn cũng sẽ trở thành một Bill Gates thứ hai?

1. Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó.

(Sở dĩ như vậy là một mình bạn sẽ không thể nào làm thay đổi được sự bất công trong xã hội)

2. Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, trước khi có được những thành tựu thì bạn đừng nên quá chú trọng hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình lên.

(Lòng tự trọng quá cao sẽ tỷ lệ thuận với sự bất lợi trong công việc của bạn)

3. Thường thì bạn sẽ không thể trở thành CEO nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học. Nhưng khi bạn đã trở thành một CEO thì không còn ai để ý là bạn mới chỉ có tốt nghiệp trung học nữa.

(Lúc này người ta sẽ đánh giá và quan tâm nhiều đến năng lực hơn là bằng cấp của bạn)

4. Khi bạn gặp khó khăn hay bế tắc trong công việc thì đừng có oán trách số phận. Điều bạn học được khi gặp trắc trở chính là kinh nghiệm và bài học để lần sau không bao giờ mắc phải nữa.

(Điều cần làm lúc này là trấn tĩnh và bắt tay làm lại từ đầu)

5. Nên hiểu một điều rằng: Trước khi có bạn, bố mẹ bạn không phải là những người “chán ngắt, vô vị” như bạn của ngày hôm nay đã nghĩ. Đây chính là cái giá rất lớn mà bố mẹ đã phải trả cho sự trưởng thành của bạn.

(Bạn phải có nghĩa vụ đền đáp công ơn với những người đã dành cả cuộc đời mình cho sự sống và trưởng thành của bạn

6. Khi đi học, bạn đứng thứ mấy trong lớp cũng không phải là vấn đề quan trọng. Nhưng khi đã bước chân ra xã hội thì mọi việc lại không đơn giản như vậy. Dù đi đâu hay làm công việc gì bạn cũng nên tạo đẳng cấp cho mình.

(Luôn tự nhủ rằng bạn sẽ luôn là người đứng đầu, như vậy bạn sẽ có động lực và tinh thần nhiều hơn cho sự nghiệp của bản thân)

7. Khi đi học, bạn luôn mong chờ đến ngày nghỉ lễ, Tết. Khi đi làm thì hoàn toàn không giống vậy, dường như là bạn sẽ không được nghỉ ngơi. Công việc sẽ cuốn bạn đi bất cứ lúc nào kể cả ngày nghỉ.

(Nếu là một nhân viên luôn mong chờ ngày nghỉ lễ thì bạn sẽ bị lạc hậu hơn so với những nhân viên khác. Sự lạc hậu này còn luôn đồng hành với sự đào thải và thất nghiệp).

8. Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp. Đơn giản nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì và sẽ nhanh chóng thất nghiệp, hơn nữa lúc này sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.

(Nên nhận thức được rằng: Công ty sẽ luôn yêu cầu cao hơn rất nhiều so với trường học. Vì ở trường học, dù bạn có học được hay không thì chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn. Còn ở công ty bạn có làm được việc hay không thì lại ảnh hưởng đến rất nhiều người)

9. Mọi người đều thích xem phim truyền hình, nhưng bạn không nên xem nhiều vì đó không phải là cuộc sống của bạn. Vì công việc ở công ty mới phản ánh cuộc sống thực của bạn

(Bạn không nên xem nhiều vì tư tưởng của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những bộ phim truyền hình đó. Cuộc sống của bạn nên do bạn quyết định)

10. Không bao giờ phê bình người khác sau lưng của họ, đặc biệt đừng bao giờ phê phán sếp là người không có năng lực, điều này là không đúng.

(Nếu bạn có thắc mắc gì trong công việc thì nên nói ý kiến của mình trước mặt mọi người. Còn nếu như bạn luôn giữ thái độ và hành động phản kháng sau lưng người khác thì chỉ có bất lợi cho bạn mà thôi).

Chủ tịch HSBC: “Tôi từng du học chỉ với 16 USD”

“Tôi đến New Zealand du học chỉ vẻn vẹn 16 USD trong túi. Đầu tiên là phải tìm việc làm thêm, việc mà nhiều người khác không bao giờ làm…”.


Chủ tịch ngân hàng giàu nhất châu Âu nhớ lại thủa hàn vi:

“Tôi đến New Zealand du học chỉ vẻn vẹn 16 USD trong túi. Đầu tiên là phải tìm việc làm thêm, việc mà nhiều người khác không bao giờ làm…”.

Từ năm 2005, tên tuổi của Vincent Cheng mới được đông đảo người dân Việt Nam biết đến khi ông đứng trên cương vị Chủ tịch của Ngân hàng

Hồng Kông – Thượng Hải (HSBC), ngân hàng lớn nhất châu Âu và lớn nhất thế giới về tài sản có.

Sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch HSBC đến Việt Nam, lần đầu tiên ông đặt chân đến thị trường mà ngân hàng mình đã có cả trăm năm lịch sử. Người Việt Nam bắt đầu biết đến ông với con đường “từ vỉa hè đến ghế Chủ tịch HSBC”.

Từ “vỉa hè” này được ông Vincent Cheng giải thích: “Tôi sinh ra ở một gia đình nghèo ở khu phố Shamshuipo, Cửu Long (Hồng Kông). Tôi thường phụ bố bán trái cây ven đường. Nhà nhỏ nhưng có tới 8 gia đình với 20 người cùng chung sống. Nóng bức, chật chội, tôi thường phải ra đường ngủ”.

Nằm đường, ngủ bụi là những bài học đầu tiên trong “kỹ năng” kiếm sống của nhân vật châu Á đầu tiên có vị trí lãnh đạo cao nhất của một ngân hàng châu Âu sau này.

“Thời đó, Hồng Kông còn nghèo lắm. Cha mẹ tôi tin tưởng rằng giáo dục sẽ làm thay đổi cuộc sống con người, cuộc sống nghèo khó này. Và bản thân tôi cũng ý thức được điều đó. Tôi đã học và nỗ lực làm việc để được học”, ông Vincent Cheng kể.

Đó là lần đầu tiên chàng trai Vincent Cheng xuất ngoại với mục đích trang bị cho mình những kiến thức “để thay đổi cuộc sống con người”, theo đúng khái niệm du học đang nở rộ ở Việt Nam hiện nay.

Đến New Zealand chỉ vẻn vẹn 16 USD trong túi, định hướng đầu tiên là Vincent tìm một việc làm bán thời gian. Phải làm việc để có tiền sống, tiền học. Cũng khá đơn giản, cứ gõ cửa và hỏi “các ông có việc gì cho tôi không?”. Nhưng, vì một khiếm khuyết của thân thể (ông bị tật ở chân từ nhỏ) nên công việc Vincent tìm được là việc mà nhiều thanh niên hồi ấy không làm: rửa chén đĩa cho các nhà hàng.

Mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 6 tiếng, mỗi tiếng được 1,5 USD. Cứ thế Vincent vừa làm vừa học cho đến khi tìm được những công việc tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất là ông có được nguồn tài chính đảm bảo cho mục đích học tập.

Điều quan trọng nhất đó được ông Chủ tịch ngày nay truyền lại cho sinh viên Việt Nam, rằng: “Khi du học, tốt nhất các bạn hãy tìm một công việc bán thời gian để trang trải các chi phí. Các bạn có thể tìm các nguồn vốn để vay nhưng cần làm việc để trả lại số tiền đó”.

Sau khi du học, tốt nghiệp, Vincent Cheng đầu quân cho Ngân hàng HSBC. Tất nhiên là phải trải qua một cuộc sát hạch khó khăn. Đó là vào năm 1978. 10 năm làm việc miệt mài sau đó đã đưa chàng rửa bát thuê ngày nào trở thành một nhân vật có tiếng trong cỗ máy HSBC. Và năm 1989, ông Cheng chuyển sang công tác tại Bộ phận chính sách Trung ương của Chính phủ Hồng Kông, với vai trò cố vấn của Thống đốc Hồng Kông.

Hai năm sau, Vincent Cheng tái nhập HSBC, nắm giữ vị trí Giám đốc cao cấp của bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược. Năm 1994, ông trở thành Giám đốc tài chính của ngân hàng khổng lồ này và chỉ một năm sau đó, tháng 5/1995, ông đã là Tổng giám đốc và nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành

Ngày 25/5/2005, lần đầu tiên trong lịch sử HSBC vị trí Chủ tịch được dành cho một người châu Á, không phải là người Anh: Vincent Cheng. Chàng thanh niên với 16 USD trong túi ngày nào đã là chủ tịch của một ngân hàng có mức lợi nhuận gấp 1 tỷ lần con số thủa hàn vi đó, trên 15 tỷ USD mỗi năm.

Một sự thăng tiến nhanh chóng. Đó là tài năng và động lực từ thủa hàn vi. “Nhưng, đầu quân vào HSBC không phải là sự lựa chọn tốt nhất của đời tôi, mà là chọn được ý trung nhân của mình”, ông nói.

Người đàn ông 58 tuổi này rất hạnh phúc khi nói về gia đình của mình, về phu nhân và hai cô con gái. Ông ít có thời gian cho gia đình, vì vậy, thay vì đánh golf với bạn bè, ông lựa chọn ở nhà; tất nhiên là đưa việc về nhà. Và dễ thấy trong các chuyến công du của ông, chiếc vé thứ hai thường được đặt cho vợ – “như thế tôi được gần gũi hơn với người thân, với gia đình dù công việc luôn bận rộn”.

Ông Vincent Cheng đang dẫn đầu Hội đồng quản trị Ngân hàng HSBC châu Á – Thái Bình Dương tới Việt Nam để tham dự cuộc họp hội đồng quản trị thường niên. Trao đổi với VnEconomy, ông Cheng nói việc lựa chọn Việt Nam để tổ chức cuộc họp này cho thấy tầm quan trọng của thị trường Việt Nam trong chiến lược phát triển của HSBC hiện nay và trong tương lai.

Dự kiến ông Cheng sẽ có những cuộc gặp quan trọng với đại diện Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong chuyến công tác này.

Trước đó, một số thông tin dự báo nhiều khả năng HSBC sẽ mua thêm cổ phần của Ngân hàng Kỹ thương Techcombank khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng nội được nâng từ 10% lên 20%.

Chiều qua, ông Cheng cũng đã tham dự Lễ trao học bổng HSBC niên học 2006 – 2007 cho 40 sinh viên các trong đại học Hà Nội. Năm nay, HSBC dành 110 suất học bổng trị giá 330 triệu đồng cho sinh viên Việt Nam (tại Hà Nội và Tp.HCM).

Nguồn TBKTVN

Bước khởi đầu của các CEO nổi tiếng

CEO Rex Tillerson của Exxon Mobil từng là một người trông giữ trẻ. Còn vị chủ tịch của ngân hàng J.P Morgan Chase đã có thời là đầu bếp nấu món khoai tây chiên.

Tóm tắt: Trên thực tế, có rất nhiều những vị CEO giàu có và đầy quyền lực đã kiếm được những đồng tiền lương đầu tiên bằng những công việc như cắt cỏ, chuyển báo… …

CEO Rex Tillerson của Exxon Mobil từng là một người trông giữ trẻ. Còn vị chủ tịch của ngân hàng J.P Morgan Chase đã có thời là đầu bếp nấu món khoai tây chiên.

Trên thực tế, có rất nhiều những vị CEO giàu có và đầy quyền lực đã kiếm được những đồng tiền lương đầu tiên bằng những công việc như cắt cỏ, chuyển báo…

Dưới đây là 10 vị CEO với những công việc khởi đầu đầy thú vị.

1. Doug McMillon – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Wal-Mart



Doug McMillon hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của chuỗi các cửa hàng Wal-Mart. Wal-Mart là nơi đầu tiên Doug McMillon làm việc. Ông đã đến làm tại kho hàng Arkansas của tập đoàn này khi mới 17 tuổi với mức lương 6 đôla một giờ.

Ngày nay, mặc dù đã ngồi trên vị trí cao nhất của tập đoàn, Doug McMillon vẫn cho rằng những kỹ năng và kiến thức học được từ công việc đầu tiên tại kho hàng Wal-Mart vẫn được sử dụng rất hiệu quả cho công việc ở vị trí chủ tịch đầy quyền lực của ông hiện tại.

Ông nói: “Những thành công trong công việc nhóm và sự chăm chỉ sẽ được đền đáp. Nếu bạn không biết tận dụng thời gian, không phấn đấu nỗ lực làm việc chăm chỉ trên cả mong đợi của những nhà lãnh đạo thì bạn sẽ không bao giờ có thể thăng tiến được”.

2. Michael Dell, Chủ tịch Công ty công nghệ Dell


Dell là một công ty về công nghệ được thành lập vào năm 1984 tại Austin, bang Texas, tên của công ty này được đặt theo tên của người sáng lập và cũng là giám đốc điều hành Michael Dell. Trong năm 2011, tạp chí Forbes đã bình chọn ông là một trong số những người giàu có nhất thế giới với tổng giá trị tài sản ước tính lên tới 15 tỷ USD. Và công ty Dell của ông xếp trong top 500 của tạp chí Fortune.

Michael Dell bắt đầu làm công việc giặt là vào lúc 12 tuổi tại một nhà hàng của Trung Quốc với mức lương chỉ 2,3 đôla một giờ. Sau đó ông tiếp tục đến làm việc tại một nhà hàng Mexico. Ông chính thức rời bỏ công việc tại những nhà hàng và đến với công việc tại một cửa hàng bán tem và những đồng xu hiếm. Sau đó, ông đến với công việc bán báo qua điện thoại cho đến lúc 16 tuổi.

3. John Dasburg, Giám đốc điều hành hãng hàng không ASTAR Air Cargo


ASTAR Air Cargo là một hãng hàng không có mặt tại hơn 40 sân bay và cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Giám đốc điều hành của công ty này ông John Dasburg, một người có tài năng rất đặc biệt.

Ngay từ khi 10 tuổi, Dasburg chứng tỏ tài năng của mình khi quyết định kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng công việc cắt cỏ thuê cho người hàng xóm. Tuy nhiên công việc thì quá nhiều, và ông nhận ra rằng ông không thể làm một mình. Ông đã giải quyết tình hình đó bằng cách chia sẻ bớt công việc cho những người bạn bè của mình và ăn phần trăm từ họ.

4. T.Boone Pickens, CEO BP Capital Mgmt


Theo tạp chí Forbes thì tài sản của Pickens lên tới 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên khi ông làm công viêc đầu tiên của mình với nghề phát báo ở Holdenville, Oklahoma, ông chỉ kiếm được 28 cent một ngày. Đó là lúc Pickens 12 tuổi.

Công việc đó đã cho Pickens cảm giác tự do đầu tiên, ông nói: “Từ đó tôi không cần tiền của bố mẹ nữa, tôi muốn tự mình kiếm chúng.”

Ông nói rằng việc kiếm tiền từ những khách hàng không muốn trả tiền cho ông đã dạy cho ông một bài học quý báu: “Bạn phải kiên định nếu bạn muốn đạt được mục đích của mình. Bạn sẽ không biết được công việc hằng ngày sẽ dẫn bạn tới điều gì, chính vì vậy hãy đặt mọi tâm trí của mình vào mọi việc.”

5. Terry Lundgren, CEO của Tập đoàn Macy


Công việc đầu tiên của ông bắt đầu sau khi ông tốt nghiệp đại học, đó là làm ở cửa hàng Federated. Tuy nhiên, là một sinh viên mới tốt nghiệp, Lundgren lúc đó chưa chắc chắn những gì ông muốn cho cuộc sống. Ông từng có ý định học thú y nhưng sau một năm lại chuyển sang học kinh doanh.

Lundgren làm tại cửa hàng Federated vào năm 1975 và làm cho chi nhánh của công ty Bullocks Wilshine ở Los Angeles. Đến năm 35 tuổi, ông đã làm trưởng chi nhánh đó. Năm 2005, ông tham gia vào thương vụ sát nhập hai cửa hàng Federated và May, đến năm 2007 hai công ty hợp nhất lại thành tập đoàn Macy và trở thành một nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hiện nay.

6. Clarence Otis, Jr., CEO của Chuỗi cửa hàng ăn Darden


Chuỗi cửa hàng ăn Darden ở bang Florida của Mỹ hoạt động như một cơ sở ăn uống giống Olive Garden và Red Lobster. Trong năm 2010, thời báo Orlando Sentinel xếp Clarence Otis vào 11 người quyền lực nhất miền trung Florida với lý do ông quản lý 1.800 cửa hàng ăn uống và 180.000 nhân công.

Khi Otis gia nhập công ty vào năm 1995 với chức danh thủ quỹ, ông đã có kinh nghiệm về kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ở tuổi 17, Otis làm nhân viên phục vụ tại cửa hàng ăn uống ở sân bay Los Angeles và kiếm được 3,5 USD một giờ. Ông nói rằng việc phục vụ một lượng lớn người ở mọi đẳng cấp đã giúp ông có một thái độ và tư tưởng tích cực.

7. Jack Schuessler, CEO của Wendy International


Tập đoàn Wendy International là công ty mẹ của Wendy, chuỗi cửa hàng hamburger lớn thứ 3 thế giới. Jack Schuessler đã làm cho công ty 30 năm và từ năm 2000 đến 2006 ông đã trở thành CEO.

Công việc đầu tiên của Schuessler là công việc khuân vác tại nhà máy ST. Louis với mức lương 2,45 USD một giờ. Ông cho rằng tính lặp đi lặp lại của Công việc làm ông thấy nhàm chán trong suốt 8 tiếng làm việc.

Dù không thích công việc đó lắm, ông vẫn khẳng định nó đã dạy ông một bài học rất quan trọng: “Nếu bạn không làm việc, bạn sẽ không bao giờ được trả công”.

8. Bill Watkins, CEO của Seagate Technolog


Seagate Technology là nhà sản xuất ổ cứng lớn nhất thế giới. Bill Watkins gia nhập công ty vào năm 1996 sau đó thăng tiến đến vị trí chủ tịch kiêm giám đốc điều hành vào năm 2004, và giữ vị trí đó đến năm 2009 khi ông nghỉ hưu.

Watkins đã có một cuộc đời rất đặc biệt trước khi đến được vị trí cấp cao đó. Khi ông tốt nghiệp trung học năm 1971, Watkins tham gia quân ngũ và phục vụ trong căn cứ Missouri với vai trò là một người cứu thương. Sau khi giải ngũ, ông làm ca đêm tại một bệnh viện tâm thần với nhiệm vụ kiềm chế bệnh nhân.

Sau đó ông từ bọ mọi thứ và đến bang California nơi mà ông làm việc với Xdex, nhà sản xuất đĩa mềm tại thung lũng Silicon. Từ đó ông làm trong lĩnh vực công nghệ cao.

9. Michael Morris, CEO của Công ty điện American Electric Power


American Electric Power là một trong số những nhà sản xuất điện lớn nhất nước Mỹ. Công ty này là nguồn cung cấp điện năng chính cho 38 bang của Mỹ và một phần của miền đông Canada.

Morris bắt đầu đi làm từ hồi 11 tuổi cho công ty Ohio’s Toledo Blade với việc phát báo và kiếm được 5 USD một ngày. Ông tin rằng công việc đó đã giúp ông có được một phong cách công nghiệp. Ngày nay, ông khuyến khích những nhân viên có những phẩm chất tương tự.

10. Susan Story, CEO của công ty Gulf Power


Công ty Gulf Power là một công ty điện có trụ sở ở Florida. Phục vụ hơn 400.000 khách hàng trải dài từ tây bắc Alabama, Florida đến vịnh Mexico.

Susan Story chính là CEO và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Gulf Power, 17 tuổi bà đã làm cho tờ báo Sand Mountain Reporter, một tờ báo của Alabama với lượng phát hành 20,000 bản. Story đã làm công việc đó với mức lương chỉ 2,85 USD một giờ.

Công việc của bà bao gồm viết quảng cáo, thông báo. Bà nói rằng công việc cho phép bà nhìn ra những cơ hội bên cạnh những trách nhiệm trong công việc của mình.

Tạ Linh (theo CNBC)

Warren Buffett thừa nhận mắc 5 sai lầm

Tỷ phú huyền thoại Warren Buffett thừa nhận mắc 5 sai lầm


Được biết đến như nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới,

sở hữu khối tài sản hơn 40 tỷ USD, vậy nhưng Warren Buffett cũng đã mắc không ít sai lầm trong đầu tư. Ông vừa lên tiếng thừa nhận trong bức thư thường niên gửi cổ đông.
Trong quý 4 vừa qua, lợi nhuận của tập đoàn Berkshire Hathaway Inc. mà Warren Buffett làm Chủ tịch kiêm CEO đã sụt giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,05 tỷ USD. Và trong bức thư thường niên gửi tới các cổ đông của mình, nhà đầu tư huyền thoại này đã không ngần ngại chỉ ra những sai lầm mắc phải thời gian qua.

Không chỉ là nhà đầu tư đại tài, Warren Buffett còn nổi tiếng thẳng thắn

1. Sự phục hồi của thị trường BĐS

Sai lầm: Trong bức thư thường niên năm ngoái Buffett dự đoán rằng thị trường nhà ở Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi trong năm nay và là động lực giúp kinh tế phục hồi.

Giải thích: Buffett đã không hề vòng vo khi thừa nhận rằng ông đã “phạm sai lầm chết người” khi đưa ra nhận định trên. Nhưng ông cho rằng nhu cầu nhà ở trong tương lai tất yếu sẽ tăng do tăng dân số tự nhiên. Và bức thư có đoạn: “Vào những thời điểm nhất định người ta có thể quyết định tạm ngừng việc kết hôn nhưng cuối cùng việc đó vẫn sẽ xảy ra. Trong giai đoạn suy thoái, phản ứng đầu tiên của mọi người có thể là chọn cách sống chung với gia đình chồng/vợ nhưng việc này sẽ nhanh chóng trở nên kém hấp dẫn”.

2. Ngành năng lượng

Sai lầm: Buffett đã chi khoảng 2 tỷ USD mua trái phiếu của tập đoàn năng lượng Energy Future Holdings ở Texas. Thế nhưng đến nay giá trị số trái phiếu này hiện chỉ còn 878 triệu USD. Và ông thừa nhận ngay cả con số khiêm tốn còn lại này cũng có thể bị xóa sạch

Đầu tư vào Energy Future Holdings là sai lầm của Buffet.

Giải thích: Nhà đầu tư huyền thoại thẳng thắn thừa nhận ông đã nhận định sai về triển vọng của công ty trên cũng như về diễn biến của giá xăng dầu. “Tuy nhiên sự thật là tôi đã đánh giá sai khả năng lời/lỗ khi tôi mua trái phiếu. Như cách nói của những người chơi tennis, đây là một sai lầm không đáng có”.

3. Hoạt động M&A

Sai lầm: Một số công ty mà Berkshire Hathaway mua lại thời gian qua không đóng góp nhiều cho lợi nhuận của họ. Mặc dù không chỉ ra đích danh những thương vụ nào nhưng Buffett thừa nhận một số công ty đang có kết quả kinh doanh nghèo nàn.

Giải thích: Vị tỷ phú người Mỹ cho biết ông đánh giá sai các doanh nghiệp này trước khi Berkshire mua lại chúng vì đôi lúc ông không lắng nghe vị Phó Chủ tịch của mình là Charlie Munger. “Tôi cố gắng dự đoán tình hình trong vòng 10 – 20 năm mỗi khi tiến hành một thương vụ mua lại nhưng đôi khi thị lực của tôi không được tốt”, Buffett tự châm biến. “Trong khi đó Charlie có đôi mắt tinh tường hơn. Ông ấy đã bỏ phiếu chống trong nhiều thương vụ sai lầm của tôi”.

4. Cổ phiếu dầu mỏ

Sai lầm: Trong năm 2008 Buffett đã tăng gấp 4 lần tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn dầu mỏ ConocoPhillips khi giá dầu và gas gần đạt đỉnh. Và đến nay khoản đầu tư này khiến Berkshire thiệt hại vài tỷ USD.

Dù có những sai lầm nhưng quan điểm của Buffett vẫn rất được trân trọng

Giải thích: Buffett cho biết ông không thể lường trước giá dầu lại sụt giảm ghê gớm như cuối năm 2008. “Trong năm 2008 tôi đã phạm nhiều sai lầm ngớ ngẩn trong đầu tư. Ít nhất đã có một quyết định sai lầm nghiêm trọng cùng một vài bước đi kém sáng suốt khác và tất cả đều gây tổn thất”.

5. Ngành dệt may

Sai lầm: Buffett cho rằng bản thân việc mua lại Berkshire Hathaway chính là quyết định đầu tư tệ hại nhất của mình. Vào những năm 1960 đây còn là một nhà máy dệt may hoạt động cầm chừng ở New England. Thế nhưng ông vẫn để cho nó hoạt động thêm 20 năm trước khi đóng cửa hoàn toàn.

Giải thích: Buffett cho biết ông đã không nhận ra rằng ngành dệt may sẽ nhanh chóng thua lỗ. “Điều ngớ ngẩn nhất tôi đã từng làm đó là theo đuổi những cơ hội để cải thiện và mở rộng hoạt động dệt may đang có. Vậy nên tôi đã mất nhiều năm cho việc đó. Và rồi, tôi lại bỏ tiền mua một công ty dệt may nữa. Nhưng cuối cùng trực giác mách bảo và tôi chuyển sang lĩnh vực bảo hiểm, sau đó là các ngành khác”.

Theo AP

System đơn giản #8 (Breakout system đơn giản)

System này dựa theo nguyên tắc nắm bắt sớm biến động của giá khi giá bắt đầu thiết lập xu hướng mới trong ngày.

Như bạn đã biết, thị trường Frankfurt mở cửa lúc 2:00 am EST (tương đương 7:00 am GMT), sau đó một giờ thì tới thị trường lớn khác là London mở cửa vào lúc 3:00 am EST (tương đương 8:00 am GMT). Phiên giao dịch của EU là phiên giao dịch chính đầu tiên của một ngày giao dịch.

Vậy chúng ta làm gì?

Chúng ta bắt đầu với khung thời gian 1 giờ, trên cặp GBP/USD và không cần các công cụ khác.

Chúng ta sẽ chú ý đến phạm vi giá biến động trong khoảng thời gian 1:00 am EST đến 2:00 am EST. Chúng ta tìm giá cao nhất và thấp nhất trong khoảng thời gian này và vẽ 02 đường ngang song song tạo thành một kênh ngang dựa trên 02 giá cao nhất và thấp nhất.

Bây giờ thì bạn hãy chuyển sang khung thời gian nhỏ hơn, chúng ta sử dụng khung thời gian 5 phút và chờ candle 5 phút đóng hoàn toàn bên ngoài đường kênh xuất hiện, đây chính là tín hiệu để bạn mở giao dịch với candle tiếp theo.

Bạn có thể sử dụng Stop loss 20 pips hoặc phía bên kia của kênh ngang.




Mục tiêu thu lợi của bạn ít nhất là 20 pips. Bạn có thể lựa chọn một số phương pháp sau : đóng giao dịch để chốt lời, hoặc bắt đầu đi theo giá bằng cách sử dụng trailing stop bằng mức giá thấp nhất của candle 5 phút trước đó…

LỊCH SỰ KIỆN

 
Bản quyền thuộc về FxHcm - Nâng tầm giá trị đầu tư © 2013. | Post RSS | Comments RSS
Tìm hiểu Forex là gì | Quản lý vốn đầu tư | Tâm lý giao dịch | Cách đọc đồ thị nến nhật | Xác định hỗ trợ và kháng cự | Phương pháp giao dịch Price Action | Giao dịch theo mô hình giá | Giao dịch với Indicator | Giao dịch theo sóng Elliott | Giao dịch theo hệ thống Ichimoku | Giao dịch theo tin tức | Kinh nghiệm giao dịch | Các hệ thống giao dịch chuẩn | Tin tức