5 cuộc khủng hoảng trong quá khứ sẽ cho chúng ta thấy những khía cạnh của hệ thống tài chính ngày nay bắt nguồn từ đâu. Các nhà quản lý cũng có thể học được nhiều bài học từ các sự kiện này.
Các cuộc khủng hoảng sẽ khiến thị trường tài chính chao đảo. Đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của khủng hoảng ít được bàn luận đến: chính khủng hoảng góp phần định hình thị trường tài chính. 5 cuộc khủng hoảng trong quá khứ sẽ cho chúng ta thấy những khía cạnh của hệ thống tài chính ngày nay bắt nguồn từ đâu. Các nhà quản lý cũng có thể học được nhiều bài học từ các sự kiện này. Đây chính là nội dung của chùm bài viết được đăng tải trên tờ The Economist mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc.
Đâu là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại? Câu trả lời thường thấy cho câu hỏi này sẽ là những công nghệ quen thuộc như máy in hay điện. Hiếm có ai đưa ra câu trả lời là hợp đồng tài chính – thứ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại nhưng lại bị nhiều người ghét bỏ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thực là các hợp đồng tài chính là thứ không thể thiếu trong ít nhất là 7.000 năm nay.
Về bản chất, tài chính chỉ có hai vai trò hết sức đơn giản. Có thể coi hệ thống tài chính là một cỗ máy thời gian giúp người tiết kiệm chuyển thặng dư ở thời điểm hiện tại thành thu nhập trong tương lai, hoặc giúp người đi vay tiếp cận với lợi nhuận trong tương lai ngay từ bây giờ.
Mặt khác, đây cũng là một cái tổ an toàn giúp chống đỡ lũ lụt, hỏa hoạn hoặc bệnh tật.
Với hai chức năng này, một hệ thống tài chính vận hành trơn tru sẽ giúp giảm bớt những thăng trầm của cuộc đời. Thế giới vốn khó dự đoán sẽ trở nên dễ đoán biết hơn. Thêm vào đó, vì nhà đầu tư tìm kiếm những cá nhân và công ty có ý tưởng tốt nhất, hệ thống tài chính đóng vai trò như một cỗ máy tăng trưởng.
Tuy nhiên, tài chính cũng có thể biến thành hiểm họa. Khi bong bóng vỡ tung và các thị trường đổ sụp, những kế hoạch cho tương lai bị phá hủy hoàn toàn. Với tình trạng thất nghiệp và nợ nần mà khủng hoảng 2008 để lại, câu hỏi đặt ra là cần làm gì để nhân rộng ưu điểm và triệt tiêu khuyết điểm của thị trường tài chính.
Lịch sử là một nơi tốt để tìm kiếm câu trả lời. Từ năm 1972 tới 1929, hệ thống tài chính thế giới đã trải qua 5 cơn địa chấn lớn: bắt đầu từ khủng hoảng ở Mỹ và kết thúc với cuộc đại khủng hoảng của kinh tế thế giới năm 1929. Sự tiến hóa của hệ thống tài chính thế giới trong thời gian này có hai xu hướng nổi trội xuyên suốt.
Thứ nhất, các định chế tài chính có nhiệm vụ cải thiện đời sống kinh tế của người dân (như các NHTW, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các sàn giao dịch chứng khoán) không phải là sản phẩm được thiết kế một cách cẩn thận trong thời điểm thị trường phẳng lặng. Chúng được sinh ra ở tận cùng của “vách đá tài chính”. Những gì sinh ra từ khủng hoảng lại trở thành đặc tính tồn tại lâu bền trong hệ thống. Nếu xu hướng này tiếp diễn, những quyết định được đưa ra lúc này sẽ tồn tại trong vài thập kỷ nữa.
Thứ hai, các cuộc khủng hoảng đều đi theo một xu hướng chung. Khủng hoảng bắt đầu với sự đổ lỗi. Các phần mới của hệ thống tài chính thường bị chỉ trích: một loại hình ngân hàng mới hoặc một loại tài sản mới sẽ bị coi là thủ phạm và sau đó bị cấm. Cuối cùng, một số phần được coi là quan trọng sẽ nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ nhà nước. Đây được coi là phương pháp tiếp cận hợp lý.
Tuy nhiên, chính xu hướng này đang “gặm nhấm” hệ thống tài chính. Walter Bagehot, cây bút của Economist từ năm 1860 đến 1877, cho rằng sự xáo trộn trên thị trường tài chính xảy ra khi “dòng vốn mù” của khu vực công ồ ạt chảy vào các tài sản đầu cơ. Cải cách khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Có lẽ cảnh tượng người Anh đổ tiền vào các ngân hàng Iceland và yên chí rằng khoản tiền gửi 35.000 USD đã được bảo hiểm bởi chính phủ sẽ khiến Bagehot lo lắng và thậm chí là giận dữ.
5 cuộc khủng hoảng sẽ hé lộ xuất thân của những “gã khổng lồ” trong nền tài chính hiện đại: sàn NYSE, Cục dự trữ liên bang Mỹ và những ông lớn ngân hàng nước Anh. Người đọc cũng dần nhận ra cái cách mà những cuộc cải cách liên tiếp bảo vệ nhà đầu tư trước rủi ro và những bài học mà các nhà quản lý có thể áp dụng trong thời kỳ hậu khủng hoảng hiện nay.
Theo Trí Thức Trẻ/Economist