BREAKING NEWS
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

24/4/14

NHTW - Quyền lực sau khủng hoảng (P1): Những người bẻ lái

6 tuần 1 lần, những người quyền lực lại nhóm họp. Họ được xem là những người thao túng thế giới, cả trên thị trường và chính trường.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã mạnh tay cắt giảm lãi suất, mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và ứng cứu các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đến nay đã dùng “hết sách” nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan. Phải chăng quyền lực của các NHTW đã giảm sút.

6 tuần 1 lần, những người quyền lực nhất trong nền kinh tế toàn cầu lại gặp nhau trên tầng 18 của một tòa nhà xấu xí gần trạm xe lửa ở thành phố Basel, Thụy Sĩ. Họ được xem là những người thao túng thế giới, cả trên thị trường và chính trường.

Cuộc họp quyền lực

Nhóm quyền lực bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Janet Yellen và người đồng nhiệm ở NHTW châu Âu (ECB), ông Mario Draghi, cùng 16 quan chức tiền tệ hàng đầu khác đến từ Bắc Kinh, Frankfurt (Đức), Paris và nhiều nơi khác. Họ bỏ ra gần 2 giờ để trao đổi quan điểm trong một buổi tranh luận do Thống đốc NHTW Mexico Agustín Carstens cầm trịch.

Không ai ghi lại biên bản nhưng các nhà quản lý tiền tệ thế giới có ảnh hưởng nhất cho biết cuộc họp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mở rộng kiến thức của họ. Những cuộc họp như vậy đã có từ rất lâu. Theo nhiều người, qua những cuộc họp này họ thiết đặt lãi suất và kiểm soát cung tiền, giám sát các chính phủ và ngân hàng. Thậm chí họ được công chúng xem như những siêu sao. Họ quyết định những gì xảy ra trên thị trường, chính trường và thao túng cả hành tinh.
`

TP Basel - nơi diễn ra những cuộc họp của các lãnh đạo NHTƯ.

Nhưng kể từ khi nhiều NHTW giảm lãi suất gần bằng không, mua nợ và ứng cứu các ngân hàng, sự bất đồng ngấm ngầm len lỏi vào các cuộc bàn luận thường kỳ. Những cuộc thảo luận nội bộ của họ ít mang lại ấn tượng thành công. Các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tăng trưởng ì ạch; ngân hàng, hộ gia đình và các chính phủ vẫn ngập sâu trong nợ; các ngân hàng sử dụng chính sách tiền tệ không theo quy ước ngày một nhiều hơn.

Các chuyên gia tiền tệ từ những nền kinh tế mới nổi đã phàn nàn rằng các biện pháp của châu Âu và Mỹ đã đẩy mạnh dòng tiền đầu cơ không mong muốn. Hay tại Mỹ, thành viên của Ban Thống đốc FED đang tranh cãi quanh việc có nên chấm dứt việc chi hàng ngàn tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ hay không. Tại Anh, NHTW khiến công chúng mơ hồ với những công bố trái ngược về các quyết định lãi suất tương lai.

Và ở EU, sự chia rẽ của các cơ quan giám sát tiền tệ của Hội đồng ECB khiến cuộc chiến đẩy lạm phát trở nên khó khăn. Tại cuộc họp gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington, các chuyên gia chính sách tài chính và nhà điều hành ngân hàng thúc giục các thống đốc NHTƯ tiếp tục duy trì chính sách tiền rẻ. Các chính sách được bàn đến là mua thêm trái phiếu, duy trì lãi suất thấp và những giao dịch của NHTW liên quan đến chứng khoán nợ thế chấp.

Chiến binh đơn độc

Nếu có một cao bồi trong hàng ngũ các nhà NHTW toàn cầu, thì đó là Richard Fisher, Chủ tịch FED chi nhánh Dallas. Thần tượng của Fisher là Paul Volcker, Chủ tịch FED từ những năm 1980, người đã tính cực trục xuất bóng ma lạm phát ra khỏi Hoa Kỳ. Ngược lại mong muốn của Tổng thống Jimmy Carter và phần đông công chúng, ông đẩy lãi suất cơ bản lên những mức cao kỷ lục.

Điều này dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế nặng, nhưng cũng chấm dứt tình trạng lạm phát 2 con số. Đối với Fisher, Volcker thuộc vào hàng ngũ "các vị thánh của chính sách tiền tệ". Nhưng kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, kịch bản đối với các nhà NHTW không còn chứa những yếu tố như các bộ phim của phương Tây, mà giống loạt phim "Phòng cấp cứu" của Mỹ hơn.

Không ai nhận thức điều này rõ hơn Fisher, người đã có mặt trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt sau sự sụp đổ của Lehman, khi chính phủ đã phải ứng cứu các ngân hàng lớn và bảo vệ các khu vực tài chính khỏi sụp đổ. Lãi suất đã giảm xuống gần như bằng không và chính phủ đã mua trái phiếu kho bạc trên quy mô lớn.

Các nỗ lực cứu hộ cuối cùng đã thành công, nhưng bệnh nhân vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Nền kinh tế chỉ từ từ nhích lên và nhiều nhà máy vẫn không hoạt động hết công suất. Điều này khiến một số đồng nhiệm của Fisher trong Ban Thống đốc FED ủng hộ bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Fisher thì ngược lại, ông cảm thấy bối rối khi FED đã chi tới 18.000 tỷ USD - tương đương 1/4 tòa bộ nợ công Mỹ - để mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp nhưng hiệu quả quá ít ỏi. Đó là do phần lớn số tiền được bơm ra lĩnh vực tài chính không đến được khu vực tư nhân dưới dạng tín dụng cho vay như các nhà NHTW mong đợi.

Thay vào đó, nó chảy vào thị trường chứng khoán, nơi giá đã đạt những mức cao đáng lo ngại trong những tháng gần đây. Thị giá chứng khoán nay đã xấp xỉ những mức như trước ngày Thứ sáu Đen năm 1929 và vụ vỡ bong bóng dotcom 70 năm sau đó. Tuy nhiên, Fisher hiện như một "chiến binh đơn độc".

Doanh số bán nhà mới của Mỹ bất ngờ xuống thấp nhất trong 8 tháng

Số liệu cho thấy lĩnh vực mua bán bất động sản tại Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn cả thời tiết khắc nghiệt.

Theo số liệu của Bộ Thương mại công bố ngày 23/4, doanh số bán nhà mới trong tháng 3 giảm 14,5% xuống 384.000 căn hộ, thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế học trong khảo sát của Bloomberg là 450.000 căn hộ. Con số này đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7/2013.
Sự phục hồi của giá nhà đất đã chậm lại do chi phí vay và giá cả tăng cao khiến người dân khó xoay xở để trả nợ bất động sản. Việc thiếu đất để xây nhà và lao động có tay nghề cũng cản trở tăng trưởng của hoạt động xây dựng khi thị trường bắt đầu vào thời điểm bận rộn nhất trong năm.
Doanh số bán nhà mới giảm tại 3/4 khu vực của Mỹ, dẫn đầu là khu vực Trung Tây với 21,5% và khu vực phía Tây với 16,7%. Nguồn cung nhà mới tăng cao, tính đến cuối tháng 3, có 193.000 căn nhà mới trên thị trường, mức cao nhất kể từ tháng 11/2010.

Một số công ty xây dựng nhận thấy nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ thị trường lao động được cải thiện và người dân Mỹ đang quay trở lại làm việc. Công ty nhà đất LGI đang nhằm vào những người mua nhà lần đầu ở khu vực Tây Nam, Florida và Georgia với giá bất động sản vào khoảng 140.000 USD đến 250.000 USD. Doanh số bán nhà của công ty này trong quý I/2014 cao hơn 92% so với cùng kỳ năm ngoái. LGI kỳ vọng sẽ bán ít nhất 2.200 căn hộ trong năm 2014.
Gafin/ Bloomberg/ DOV

22/4/14

S&P 500 có chuỗi tăng dài nhất năm 2014

Thị trường tăng điểm giữa những dấu hiệu cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp đang được cải thiện.


TTCK Mỹ tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp với chỉ số S&P 500 có chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Thị trường tăng điểm giữa những dấu hiệu cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp đang được cải thiện.

Kết thúc phiên hôm qua (21/4), chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, lên 1.871,89 điểm và đã tăng tổng cộng 3,1% trong 5 phiên vừa qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,3%, lên 16.449,25 điểm. Tổng cộng có khoảng 49 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong phiên, thấp nhất trong năm 2014. 

Netflix Inc.Zions Bancorporation là những công ty thuộc chỉ số S&P 500 công bố kết quả kinh doanh hôm qua. Hơn 70% công ty thông báo lợi nhuận vượt dự báo, theo số liệu thống kê của Bloomberg.

8 trong số 10 nhóm chính của chỉ số S&P 500 tăng điểm với các cổ phiếu y tế tăng 1,2% và dẫn đầu xu hướng. Cổ phiếu của Pfizer Inc. tăng 2,3%, mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones. 

Tuần trước, S&P 500 đã tăng tổng cộng 2,7% - mạnh nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Thị trường hồi phục sau một tuần lao dốc mạnh do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ. Đà hồi phục có được là nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp (từ Morgan Stanley đến Citigroup và Yahoo) vượt dự đoán và Chủ tịch Fed Janet Yellen khẳng định lại cam kết hỗ trợ nền kinh tế. 

Đến nay chỉ số S&P 500 chỉ còn cách 1% so với mốc cao kỷ lục được lập hôm 2/4. 


Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg

21/4/14

Tổng nợ toàn cầu vượt 100 nghìn tỷ USD

Theo số liệu của Bloomberg, từ giữa năm 2007 tới giữa năm 2013, nợ toàn cầu đã tăng thêm 30.000 tỷ USD, từ mức 70.000 tỷ USD.

Tổng nợ toàn cầu đã tăng hơn 40% lên 100 nghìn tỷ USD kể từ khi những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất hiện, khi các chính phủ vay mượn để vực nền kinh tế khỏi suy thoái và các doanh nghiệp tận dụng lãi suất thấp kỷ lục, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết.
Theo số liệu của Bloomberg, từ giữa năm 2007 tới giữa năm 2013, nợ toàn cầu đã tăng thêm 30.000 tỷ USD, từ mức 70.000 tỷ USD. Trong cùng kỳ, giá trị cổ phiếu đã giảm 3.860 tỷ USD xuống còn 53.800 tỷ USD. Số liệu nợ tăng được tính toán bởi Basel, BIS trong bản tổng kết hàng quý của mình tương đương gần 2 lần GDP Mỹ.
Vay nợ đã tăng vọt khi các ngân hàng trung ương giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng sau sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn Mỹ, Ngân hàng Lehman Brothers phá sản, đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái. Lợi suất của tất cả các loại trái phiếu, từ chính phủ tới doanh nghiệp, thế chấp, ở mức trung bình khoảng 2%, giảm mạnh từ mức hơn 4,8% năm 2007, theo chỉ số thị trường toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch.
Chuyên gia phân tích Branimir Gruic và nhà kinh tế Andreas Schrimpf tại BIS nhận định, việc tăng đáng kể chi tiêu chính phủ trong những năm gần đây đã khiến các chính phủ (bao gồm chính quyền trung ương, bang, địa phương) đã trở thành những tổ chức phát hành nợ lớn nhất.
Theo Bloomberg, dẫn nguồn số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, số nợ chính phủ Mỹ quá hạn có thể bán được đã tăng lên mức kỷ lục 12.000 tỷ USD, từ mức 4.500 tỷ USD cuối năm 2007. Doanh số trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu cũng tăng trong cùng giai đoạn, với số lượng phát hành lên tới hơn 21.000 tỷ USD.
Lo ngại rằng nợ lớn sẽ khiến các nhà đầu tư toàn cầu tránh khỏi thị trường nước mình, nhiều quốc gia đã dùng tới các biện pháp thắt lưng buộc bụng như giảm chi tiêu và tăng thuế, kiểm soát nền kinh tế trong quá trình họ nỗ lực để khôi phục lại trật tự tài chính từng bỏ để chống chọi với suy thoái toàn cầu.
Việc điều chỉnh ngân sách là để bỏ qua các thanh toán lãi suất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối năm ngoái cho rằng các gọi là thâm hụt cơ bản trong nhóm các nước G7 đã chạm mức trung bình 5,1% trong năm 2010 - thời điểm cũng đã được điều chỉnh để bỏ qua những biến động kinh tế lớn. IMF dự báo, con số này sẽ giảm xuống 1,2% trong năm nay.
Trong giai đoạn từ 2010 tới 2013, hoạt động cắt giảm chi tiêu lớn chưa từng có, lên tới tương đương 3,5% GDP Mỹ và 3,3% GDP khu vực đồng euro, chuyên gia kinh tế quốc tế hàng đầu tại Barclays London, Julian Callow cho biết.
BIS là tổ chức của 60 ngân hàng trung ương và quản lý Ủy ban Basel giám sát hoạt động ngân hàng, một nhóm các nhà quản lý và ngân hàng trung ương đưa ra các tiêu chuẩn vốn toàn cầu.
Dân Việt/Bloomberg

Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động thương mại và dự trữ ngoại hối đã tăng lên đáng kể, góp phần củng cố nền tài chính quốc gia.

Vừa qua, Vụ Thống kê của Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra báo cáo cập nhật, tổng hợp 146 báo cáo của các quốc gia thành viên IMF, các quốc gia không phải là thành viên IMF và một số tổ chức khác về dự trữ ngoại hối chính thức (COFER). Báo cáo thống kê một số loại ngoại tệ chủ chốt trong cơ cấu dự trữ, bao gồm USD, bảng Anh, euro, yên Nhật, Frank Thụy Sĩ, dollar Canada, dollar Australia và một số ngoại tệ khác.
Số liệu thống kê cho thấy, cơ cấu dự trữ ngoại tệ có những thay đổi nhất định kể từ khi đồng tiền chung Euro được lưu hành và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Trước năm 1999, một số đồng tiền châu Âu được các nước sử dụng trong giỏ dự trữ ngoại tệ, bao gồm: đồng mác của CHLB Đức, frank của Pháp, frank Thụy Sĩ, guider của Hà Lan, ECU (đồng tiền của Thị trường chung châu Âu). Những đồng tiền này không còn giá trị lưu hành và được thay thế bằng đồng tiền chung euro, khi đồng tiền chung này bắt đầu lưu hành chính thức từ ngày 01/01/1999.
Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và USD trượt giá, nhiều nước trên thế giới bắt đầu điều chỉnh cơ cấu dự trữ ngoại hối theo hướng tăng dự trữ vàng và một số đồng tiền chuyển đổi khác như dollar Canada và dollar Australia, điều này phản ánh những thay đổi lớn trong quan điểm của một số ngân hàng trung ương (NHTW) về thói quen dự trữ ngoại hối. Một số ngoại tệ khác như dollar New Zealand, Peso Mexicô, Nhân dân tệ Trung Quốc cũng bắt đầu được một số nước sử dụng trong giao dịch thanh toán thương mại và dự trữ ngoại tệ, nhưng không đưa vào bảng thống kê do tỉ trọng còn thấp. Tỉ trọng USD trong cơ cấu dự trữ tuy giảm dần, nhưng vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất. Dữ liệu thống kê cũng phân ra hai nhóm quốc gia: nhóm các nước phát triển và nhóm các nước đang phát triển và mới nổi.
Đến cuối năm 2013, tổng dự trữ ngoại hối thế giới đạt 11.673,6 tỉ USD, tăng từ gần 1.000 tỉ USD vào các năm 1991-1993, khoảng 2.000 tỉ USD vào năm 2000 và 4.000 tỉ USD vào năm 2005. Trong số này, phần lớn dự trữ ngoại hối tập trung vào tốp 20 quốc gia với tổng cộng 11.187 tỉ USD. Đứng đầu danh sách là Trung Quốc đại lục (không kể Hồng Kông) với 3.820 tỉ USD, tăng từ 18 tỉ USD vào năm 1990 và 146 tỉ USD vào năm 2000. Đứng thứ hai là Nhật Bản với 1.268 tỉ USD (giảm từ mức 1.300 tỉ USD vào cuối năm 2012), những quốc gia còn lại có dự trữ ngoại hối dưới 1.000 tỉ USD.
Mục tiêu cơ bản của nỗ lực tích lũy ngoại hối quốc gia là trang trải nhu cầu nhập khẩu và thanh toán nợ nước ngoài đến hạn trong năm tài khóa, góp phần giảm thiểu biến động từ thị trường quốc tế. Ngoài ra, một số nước cũng dành phần lớn dự trữ ngoại hối quốc gia để mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
eFinance Online

17/4/14

Chủ tịch Fed: Lạm phát thấp đang là mối đe dọa



Mức lạm phát thấp kéo dài mới là mối đe dọa trước mắt đối với nền kinh tế của Mỹ chứ không phải việc giá cả tăng.

Đó là nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đưa ra hôm 16/4 tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, tại đó bà nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ duy trì chính sách kích thích thêm một thời gian nữa.
Trong bài phát biểu thứ hai trước công chúng kể từ khi nhậm chức này, bà Yellen không đưa ra dự đoán khi nào sẽ tăng lãi suất lên từ mức gần 0% hiện tại. Thay vào đó, bà nhấn mạnh rằng quyết định đó sẽ tùy thuộc vào sự phục hồi của thị trường lao động và vào diễn biến của lạm phát.
Trả lời câu hỏi của Martin Feldstein, giáo sư Đại học Harvard và là cựu cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan, về việc khi nào Fed sẽ để lạm phát tăng lên trên mức 2% để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế, bà Yellen trả lời rằng với lạm phát hiện quanh mức 1%, ở thời điểm hiện tại, nên lo ngại về việc lạm phát thấp hơn mức mục tiêu 2% của Fed.
Dĩ nhiên, Fed sẽ cần thắt chặt chính sách để tránh gây ra lạm phát tăng quá mức.
Bà Yellen cho biết Fed không đơn độc trong việc đẩy lạm phát lên. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng đang cân nhắc thực hiện các biện pháp chính sách đặc biệt để nâng lạm phát tại khối Euro lên, trong khi Nhật Bản đang tìm cách đẩy lùi tình trạng giảm phát.
Chứng khoán Mỹ tăng sau bình luận của bà Yellen khi nhà đầu tư coi điều đó thể hiện Fed sẽ kiên nhẫn chờ cho đến khi kinh tế phục hồi hoàn toàn.
Fed đã giữ lãi suất chủ chốt ở mức gần 0% kể từ đợt khủng hoảng tài chính vào cuối năm 2008 và đã mua hơn 3 nghìn tỷ USD giá trị tài sản để giúp làm giảm chi phí vay và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát của Mỹ đã tăng trong tháng 3, tăng trưởng việc làm cũng đã giảm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao là 6,7%
NDHmoney

LỊCH SỰ KIỆN

 
Bản quyền thuộc về FxHcm - Nâng tầm giá trị đầu tư © 2013. | Post RSS | Comments RSS
Tìm hiểu Forex là gì | Quản lý vốn đầu tư | Tâm lý giao dịch | Cách đọc đồ thị nến nhật | Xác định hỗ trợ và kháng cự | Phương pháp giao dịch Price Action | Giao dịch theo mô hình giá | Giao dịch với Indicator | Giao dịch theo sóng Elliott | Giao dịch theo hệ thống Ichimoku | Giao dịch theo tin tức | Kinh nghiệm giao dịch | Các hệ thống giao dịch chuẩn | Tin tức